Nhà hát ca múa nhạc việt nam: nơi hội tụ tỏa sáng nhiều nghệ sĩ tài năng

-
Duy trì và phát triển nghệ thuật âm nhạc cách mạng nước nhà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để đổi mới không ngừng đồng thời tìm ra những hướng đi tối ưu để vững bước và tự chủ.
*
Đoàn nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Chương trình nghệ thuật chào mừng khai mạc hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)

"Anh cả đỏ" âm nhạc cách mạng Việt

Đến nay, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là đơn vị nghệ thuật nhân dân duy nhất được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2012) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những tập thể dũng cảm và sáng tạo, lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc.

Bạn đang xem: Nhà hát ca múa nhạc việt nam: nơi hội tụ tỏa sáng nhiều nghệ sĩ tài năng

Cũng chính từ “cái nôi” âm nhạc này, nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam có những tên tuổi tiêu biểu như các nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, nhà thơ Thế Lữ, nhà viết kịch Học Phi... cũng như tiếng hát của các Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu, Nghệ sỹ nhân dân Trung Đức, Nghệ sỹ ưu tú Kiều Hưng...

Từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, đơn vị này đã có mặt trên nhiều chiến trường để mang tiếng hát át tiếng bom, phục vụ mục đích chính trị cũng như động viên đồng bào, chiến sỹ trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


*
Các nghệ sỹ Đoàn văn công Trung ương với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Đoàn văn công Trung ương đã mang các chương trình nghệ thuật biểu diễn tới nhiều nơi chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi tiếp quản Thủ đô, đoàn di chuyển đến Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền để người dân không di cư vào Nam rồi tiếp tục đưa tiếng hát đến át tiếng bom trên những chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh, dòng sông Bến Hải... trong thời gian kháng chiến chống Mỹ.

Đã có nhiều nghệ sỹ ngã xuống dưới bom đạn chiến trường, nhiều chiến sỹ sống trọn với những khoảnh khắc của âm nhạc, nghệ thuật bởi họ không biết còn nhìn thấy Mặt trời vào ngày mai hay không... Chính những câu chuyện như vậy đã trở thành nguồn động lực cũng như trách nhiệm lớn cho cả đoàn.

Trong thời bình, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục được tin tưởng và giao phó những nhiệm vụ chính trị lớn của nhà nước, với các chương trình nghệ thuật quan trọng như chào mừng Đại hội Đảng XI, XII và XIII; kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí, cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Thủ tướng Trường Phạm Văn Đồng...

Được coi là “anh cả đỏ,” cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Nhà hát đã trở thành gương mặt đại diện, quảng bá văn hóa nghệ thuật dân tộc và hình ảnh đất nước, con người Việt ra thế giới, đến với hàng chục quốc gia trên nhiều châu lục.

Nhà hát luôn đi đầu trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế. Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như chương trình nghệ thuật chiêu đãi Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro, các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un... cùng với các chương trình phục vụ hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị thượng đỉnh các nước Á-Âu ASEM...

Xem thêm:

"Thay đổi hay là chết"

Ở mốc kỷ niệm 70 năm nhìn lại, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vẫn xác định mục tiêu cốt lõi là lưu giữ tinh hoa 54 dân tộc Việt Nam để vừa lưu trữ, vừa phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như tiếp thu tinh hoa thế giới, xây dựng nền âm nhạc cách mạng nước nhà.

Nhìn về mốc lịch sử năm 1986 khi đất nước xóa bỏ chế độ bao cấp và chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường, lãnh đạo nhà hát đứng trước câu hỏi đầy thách thức, trăn trở mỗi ngày: Thay đổi hay là chết, “ngủ quên trên giá cũ hay phải làm một cơn trở dạ đau đớn để đi lên.”

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông Nguyễn Hải Linh cho biết bài toán hạch toán tiến đến đổi mới đã kéo theo thay đổi trong tư duy: Phải tăng về cả chất lượng lẫn số lượng. Mỗi sản phẩm được lấy làm thước đo cho chất lượng và mỗi năm, nhà hát phải đáp ứng nhu cầu biểu diễn của mọi cơ quan ban ngành nhà nước cũng như các chương trình biểu diễn nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, mọi bộ phận của nhà hát đều trong trạng thái phản ứng nhanh, đáp ứng mọi yêu cầu được giao và liên tục có sự đổi mới về nội dung. Ngoài ra, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam còn phải đảm bảo nhiệm vụ xây dựng chương trình gốc của mình, chương trình cũng phải liên tục được làm mới.


*
Nỗ lực với con đường tự chủ tài chính, duy trì sứ mệnh chính trị, nghệ thuật của Quốc gia là những nhiệm vụ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. (Ảnh: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam)

Để thúc đẩy sự nỗ lực của nghệ sỹ, ban giám đốc nhà hát đưa ra bảng phân cấp; trong đó nghệ sỹ cấp một là người có danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú hoặc người trẻ xuất sắc, có giải thưởng và mang đến những màn trình diễn đạt hiệu quả cao. Nghệ sỹ cấp hai là những người hoàn thành tốt các nhiệm vụ biểu diễn được giao. Nghệ sỹ cấp ba là những người trẻ vừa tốt nghiệp mới về nhà hát, được kiểm tra năng lực sáu tháng một lần để đảm bảo có đủ khả năng phát triển và tương lai tại nhà hát.

Do dịch COVID-19, mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ngừng trệ, lãnh đạo nhà hát chật vật với câu chuyện tìm nguồn thu để giữ nghệ sỹ bởi đối với nhà hát, nghệ sỹ chính là tài sản. Mỗi lớp diễn viên ở đây đều phải có 3-5 năm công tác thực tế tại nhà hát thì mới thành nghệ sỹ, đã và đang được mài giũa để trở thành những viên ngọc. Bên cạnh đó còn tồn tại cả nỗi trăn trở để có cơ chế hạch toán phù hợp cho lớp nghệ sỹ lớn tuổi...

Xoay xở từ nguồn thu từ biểu diễn cho nhà nước, từ các hợp đồng biểu diễn theo thị hiếu thị trường và dịch vụ hạ tầng (cho thuê địa điểm biểu diễn Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ trực thuộc nhà hát), câu chuyện tự chủ của nhà hát chưa bao giờ là dễ dàng.

Nhưng bằng nỗ lực của lãnh đạo nhà hát cũng như của chính mỗi cá nhân nghệ sỹ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đang gắng sức vượt qua những khó khăn hiện hữu, khẳng định chất lượng nghệ thuật, giữ vững danh hiệu cánh chim đầu đàn, xứng đáng thương hiệu quốc gia.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khắc nghiệt khiến nhiều đơn vị nghệ thuật lao đao, kể cả một số đơn vị kinh tế lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Nhà hát vẫn nỗ lực vượt qua bằng sức sáng tạo và chất lượng nghệ thuật, sự đoàn kết, nhân văn, lòng yêu nghề, đam mê nghệ thuật và sự cống hiến của tập thể anh chị em diễn viên, tất cả đều giữ được công việc, "không ai bị bỏ lại phía sau" như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sức mạnh được hun đúc nên từ truyền thống 70 năm rất đỗi tự hào của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.