Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa

-

Chùa Hòe Nhai (Hà Nội) mùa COVID hạn chế khách vãng lai. Sau khi đi hết một vòng chùa với bộn bề tâm trạng, tôi chưa kịp ra về thì trời đổ mưa. Ngồi nán lại ở dãy bàn ghế “tịnh vô trần” nơi hiên chính điện, mưa nơi này đưa tôi miên du đến những mưa xa, gắn với những nơi tôi đã qua, những người tôi đã gặp.

Bạn đang xem: Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa


Đó là mưa Huyền Không Sơn Thượng ngoại ô Huế vào cái đêm tôi cùng bạn thơ vong niên ngủ lại chùa. Chùa vốn dĩ hòa vào mênh mông thông, bềnh bồng mây, lúc này lại chìm vào đêm, ngập vào mưa. Sư trụ trì là một bậc chân tu danh sĩ, đặc biệt yêu văn chương.

Thư phòng của sư là cả một thư viện. Tôi không khỏi ngầm thắc mắc, rằng một cõi đặc quánh khí đạo mùi thiền cách biệt với lao xao kim tiền này, không lẽ thường xuyên có những “xa thư đồ sộ” đến đây, kịp thời thả xuống những cuốn tiểu thuyết hot, hôi hổi mùi đời thế kia. Muốn đạt đạo thì phải trót đời? Mà sách đạo cũng như sách đời, không có trang cuối. Ngay cả giá sách hữu hình hữu hạn của cá nhân, chẳng chủ sở hữu nào dám chắc là mình đọc hết.


Chùa Hòe Nhai.

Đọc cũng là sống. “Và khi tro bụi” - cuốn tiểu thuyết đẹp mà buồn như đời và buồn mà đẹp như thơ của nữ sĩ Đoàn Minh Phượng - ám ảnh người đọc bởi hành trình chết của một góa phụ trẻ. “Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu”. “Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết”. Cũng vậy, với tu sĩ, đời là một thứ không dễ lánh; và chắc hẳn họ cũng muốn biết đời là gì để biết mình đang lánh gì…

Đêm thượng sơn ngộ vũ ấy, trước khi đi ngủ, tôi và bạn đồng hành dùng tạm mỗi người một bát mì tôm. Sư trụ trì nhân từ thủ thỉ: Nhà chùa chỉ ăn mặn mỗi ngày một bữa; bữa tối của người nhà chùa chỉ là bánh ngọt qua loa… Điều khiến tôi bận tâm, đó là người đàn bà lúi húi pha mì cho hai khách đường xa đường đột. Chị chắc nhà gần đây, là người giúp việc cấp dưỡng cho chùa. Chị mặc trang phục màu lam. Đứng bếp nhưng vẫn để nguyên cái nón ướt mưa trên đầu. Quai nón cũng màu khói, ôm cằm, bên dưới đôi môi rất đỏ. Phụ nữ Huế thường đánh son môi đậm - từng dan díu đất thần kinh những sáu năm, tôi không lạ điều này.

Nhưng ở đây, trong không gian thiền tịnh, màu son môi trên khuôn mặt có cặp mắt u buồn của người đàn bà thế tục cứ ám ảnh tôi. Rồi tôi không ngăn nổi việc mình tái hiện hình ảnh hai đường lằn quần lót của một chú tiểu mặt trứng cá trèo cây hái quả khi chập tối tôi và bạn vong niên vừa tới vườn chùa. Đêm ấy, hết nghiêng bên này lại nghiêng bên kia nằm nghe mưa rơi, tôi không thôi nghĩ về cái sự độc lập và liên thông giữa đời và đạo, cái sự giằng co giữa dục và diệt dục, giữa tục và thoát tục…

Tôi mở điện thoại. Facebook nhắc kỉ niệm ngày này năm ngoái tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Đêm trên đảo cũng là một đêm mưa. Đoàn đi đông người, tôi và thầy tôi nghỉ chung một căn chòi. Đêm ấy, thầy kể thêm cho tôi nghe chuyện những ngày gần 40 năm trước trên đất Hungary thầy dịch “Truyện Kiều" ra tiếng nước này, chuyện anh bạn người Hung thân thiết của thầy tự tử, chuyện lí thuyết văn học và chuyện thơ liên quan đến những truy vấn về bản thể của tác phẩm và về tình thế của tồn tại người…


Chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Xem thêm: Những Ca Khúc Ý Nghĩa Về Cuộc Sống Hàng Ngày (Vol, Những Bài Hát Hay Và Ý Nghĩa Về Cuộc Sống


Căn chòi như tổ chim trên sóng. Những hạt mưa vừa chồng lên nhau vừa đồng vọng. Mưa muôn hạt như một, bình đẳng, phi bản sắc, không biện biệt, hòa và/để tan. Người vừa nên học mưa, vừa đừng như mưa. Mỗi người sẵn một vân tay. Mỗi người phải một vân chữ. Mỗi người một chỗ ngồi... Ở chốn nào dòng sông đã hòa cùng đại dương. Ở chốn này tôi đang cảm nhận được hơi ấm yêu thương. Nửa đêm về sáng, khi thiếp đi tự lúc nào và chợt thức giấc, tôi nhận ra thầy tôi vẫn chưa ngủ và thầy vừa kéo chăn lên cao hơn trên ngực tôi. Có thể thầy sẽ không bao giờ biết là tôi biết điều này, nhưng tôi thì chắc chắn rằng điều này tôi sẽ không bao giờ quên.

Cái cụm từ khóa tình thế bị làm người lại đưa tôi hồi cố về đêm mưa năm ấy ở biệt phủ Tây Hồ, khi các đại biểu tỉnh xa được bố trí nghỉ lại đây trước khi tùy nghi di tản, sau mấy ngày diễn ra Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Tuyên Quang. Chẳng biết cái đêm hôm ấy đêm gì mà mưa mù trời tối đất, chỉ biết đang nằm bên Hồ Tây, nhưng tôi lại khó xác định được Hồ Tây ở phía nào của phòng.

Cùng phòng với tôi đêm ấy có một anh bạn trẻ. Anh bạn này con nhà giàu, học giỏi, cao to đẹp trai, một tay thơ một tay nghiên cứu phê bình mà tay nào cũng là tay viết ra hoa. Trước mọi người, anh nói trạng pha cười rôm rả vui nhộn. Chắc chỉ tôi để ý, mỗi lần năm ba phút anh đi ra hành lang phòng là một lần anh tháo chiếc mặt nạ để trở về với bản diện của mình. Làm sao mọi người có thể ngờ được, đằng sau cái phong tư tài mạo tót vời vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa kia là một khối nhàu nhĩ rỗng rượi.

Đọc thơ anh, người ta bảo là anh khéo vẽ nỗi buồn và tự dưng tình nguyện chung thân với nỗi buồn tưởng tượng. Tôi thì sau đêm ấy, càng củng cố xác tín, rằng cái gì khác có thể giả, riêng tình yêu và thơ thì không thể giả được. Phê bình văn học, suy cho cùng, cũng là tự truyện của chủ thể, huống là sáng tác văn học, đặc biệt là thơ - nơi mà người thơ lộn trái ruột gan của mình dốc lên câu chữ.

Nhắc đến con người với cái mặt nạ đa nhân cách, mà ta vẫn quen gọi là nhân vật đa diện, mưa lại đưa tôi tái hồi Hà Giang. Ngày ấy, khi đoàn đến cao nguyên đá thì rất may là trời tạnh mưa, chuyển ráo. Ôi, đá trùng điệp lớp lớp chất chồng. Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời. Đá không vô tri vô giác, không đơn diện. Đá toát mồ hôi. Đá rỉ nước mắt.

Đá có khả năng phát lửa. Nhạc phẩm “Lệ đá” của Trần Trịnh phát đi thông điệp mỗi người hãy là hoa rót mật cho đời. Trường ca “Đời đá” của nữ nhà thơ trẻ đất cảng Thy Nguyên lại nhắc người hãy khúc xạ qua mưa biết tạo nên những sắc độ cầu vồng, để trong ngôi nhà mùa đông lửa không lụi tắt. Đá, phải thấm bao nhiêu mưa nắng mới có thể phát lửa, sưởi ấm mình, sưởi ấm đời. Đá (tảng), phải bao nhiêu đón hứng dung nạp mới có thể dạy người biết chắc đặc kiệm lời.

Chuyến Hà Giang năm ấy, tôi đi cùng một anh bạn là dân xây dựng nhưng bản mệnh thi sĩ. Từ thành phố Hà Giang đi tuyến điểm tham quan, hai anh em tôi chung xe ghép đoàn cùng nhiều khách khác, trong đó một nhóm đông có vẻ là một gia đình lớn gồm bố mẹ con cái cháu chắt từ miền Nam ra. Khi lên đến cột cờ Lũng Cú thì trời lại mưa. Mọi người nép vào nhau run rẩy vì lạnh, vì nhận ra vị trí chiều kích của mình giữa vũ trụ. Bất giác, một người đàn ông trung niên trong nhóm gia đình kia từ đằng sau ôm chặt lấy tôi. Tôi biết cách đánh thức mà không làm người khác giật mình, nên nhẹ nhàng gỡ tay anh ta và đi sang chỗ khác, coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó tôi kín đáo quan sát, thì thấy người đàn ông ấy tuy đi cùng gia đình lớn nhưng là đi một mình. Trong nhóm đông đó, không ai là vợ con của anh ta cả. Sáng hôm sau thức dậy trên phố cổ Đồng Văn, ngồi uống cà phê ở quán A Sử mà tôi vẫn không thôi nghĩ về việc có những con người suốt một đời phải loay hoay vừa khéo vừa vụng để ngụy trang che đậy bản thể của mình. Và tôi không thôi nghĩ về cái sự cô đơn câm nín của con người. Mị của Tô Hoài, thoát A Sử để đi theo A Phủ. Nhưng còn bao nhiêu Mị khác, có thoát được A Sử thì cũng chẳng biết đi đâu!

Đã xế trưa nhưng trời vẫn mưa. Tôi đeo tai nghe, mở bài “Cát bụi”. Giọng Khánh Ly ma mị ngân nga. Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa…