Phim đạp tuyết tầm mai

-

TTO - Dựa vào một vụ án có thật gây chấn động toàn Hong Kong vào năm 2008, Đạp tuyết tầm mai (tên tiếng Anh: Port of call) càn quét giải Kim Tượng 2016 với hầu hết các giải về diễn xuất, một điều hiếm thấy trong nhiều năm gần đây…


Quách Phú Thành và Xuân Hạ (Jessie Li) đoạt giải nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ Đạp tuyết tầm mai - Ảnh: T.L.

Bạn đang xem: Phim đạp tuyết tầm mai

Không phải là một phim hình sự khiến người xem hồi hộp chờ đợi việc giải mã vụ án và bắt hung thủ mà chúng ta thường kỳ vọng. Phim, ở một góc độ khác, đi sâu vào những ngõ ngách tăm tối nhất của nạn nhân, hung thủ, cảnh sát điều tra, những con người bé nhỏ chật vật trong những mối liên kết với xã hội hiện đại, đủ sức để tạo nên một ám ảnh...

Ám ảnh nhờ diễn xuất

Dàn diễn viên của Đạp tuyết tầm mai làm người xem đồng cảm với nỗi cô đơn của từng nhân vật. Một viên cảnh sát trung niên sống xa cách gia đình sau những đổ vỡ hôn nhân. Anh đam mê phá án, ám ảnh bởi vụ án đến nỗi mang luôn theo mình một chiếc máy ảnh polaroid để tự selfie tại hiện trường, rồi dán khắp nhà.

Quách Phú Thành khiến người xem thấy trước mặt mình là một cảnh sát thông thái, giàu kinh nghiệm, có phần lụ khụ như một thầy y mà vẫn lém lỉnh nhìn và chiêm nghiệm cuộc đời.

Một cô gái nhập cư vào Hong Kong cùng mẹ, hằng ngày vẫn nhắn tin cho bố mình ở đại lục để cập nhật tình hình. Cô không tìm được niềm vui hay bất kỳ một sự đồng cảm với các bạn trong lớp nên bỏ học từ năm lớp 9. Cô theo đuổi ước mơ làm người mẫu nhưng bị từ chối. Rồi cô quyết định đi làm gái để tự lo cho bản thân.

Trong những vị khách của mình, cô yêu một chàng trai có dáng vẻ thư sinh... Xuân Hạ, nữ diễn viên sinh năm 1992, đã vào vai với tất cả sự mong manh dễ đổ vỡ, khiến vai diễn như một chiếc bình thủy tinh mỏng mảnh, phản chiếu những nỗi buồn của một xã hội hiện đại.

Trong cảnh quay ngồi chờ bạn trai mình đến nơi hẹn, để rồi phát hiện ra sự thật về anh, Xuân Hạ đã diễn tả nỗi khắc khoải của nhân vật, chờ đợi trong hi vọng, đánh mất dần hi vọng, rồi tuyệt vọng...

Bạch Chỉ vào vai kẻ sát nhân sau khi ân ái cùng cô gái điếm, nhân vật chính trong phim. Dư cân, ánh mắt vô hồn, anh ta tự đến đầu thú, khai báo rõ ràng về tội ác của mình, về những nơi anh ta đã chặt và vứt xác cô gái.

Không một ai hiểu động cơ của tên sát nhân này, cho đến khi viên cảnh sát tìm rõ ngọn nguồn ở cuối phim. Không màu mè và hình thức, vai diễn của Bạch Chỉ chân thật và cũng đầy ám ảnh.

Vai người mẹ đau khổ và tuyệt vọng vì mất con của nữ diễn viên gạo cội Kim Yến Linh cũng là một điểm sáng của phim. Bà gào thét vì bất lực khi không có tung tích của con gái, để rồi bình tĩnh nhận tin xác nhận về cái chết của con.

Xem thêm: Trò Chơi Anh Hùng Vũ Trụ 2 Nguoi Choi, Chơi Game Siêu Nhân Vũ Trụ Hot

Bà ngậm ngùi hiểu ra mình may mắn hơn nhiều người khi biết điều gì đã xảy đến với con mình, trong khi “ở Hong Kong, cứ mỗi giờ lại có một người mất tích” như lời viên cảnh sát trong phim nói.

Quách Phú Thành trong Đạp tuyết tầm mai. -Ảnh: insing

Sự bấn loạn sâu thẳm

Không theo một lối kể chuyện phim thông thường, Đạp tuyết tầm mai chia bộ phim làm ba phần. Phần đầu kể về quá trình phát hiện ra vụ án mạng của cảnh sát. Phần thứ hai kể về câu chuyện quá khứ của nạn nhân, những nỗi niềm riêng của cô.

Phần thứ ba đi vào khai thác động cơ của chính kẻ xác nhận và hé lộ sự thật đằng sau vụ án rùng rợn. Người xem biết về hung thủ rất sớm nhưng hoàn toàn mù mờ về động cơ của hắn cho đến khi ngỡ ngàng khám phá ra sự thật.

Cấu trúc phim thử thách người xem bởi sự đảo lộn trật tự về không gian và thời gian, gần như là lộn xộn đến mức khó chấp nhận. Vậy mà sự thật không thể giải thích bằng lý trí, mà bởi dòng cảm xúc, cứ thế bung ra, lần lượt, khiến ta hoảng hốt, tự trấn tĩnh, ngậm ngùi, bất bình, hoang mang, rồi thanh thản. Bộ phim như những mảnh ghép của một bức tranh, bị đảo lộn, khiến nó mông lung về lý trí nhưng rất rõ nét về cảm giác.

Những thước phim của nhà quay phim Christopher Doyle, nhà quay phim quen thuộc trong phim Vương Gia Vệ, đã làm nên tinh thần của phim. Đâu đó là một sự bấn loạn sâu thẳm, những nỗi buồn mông lung như bóng hình của nhân vật soi trên những tấm kính xe buýt, sự bế tắc như con người trong những căn hộ chung cư chật chội cũ kỹ.

Để miêu tả một xã hội Hong Kong lạnh tanh, đạo diễn và quay phimtái tạo khoảng không gian ánh sáng của đèn neon. Thứ ánh sáng tưởng như nhàm chán vì màu xanh nhạt và độ phủ đều đặn đã tạo ra những không gian cô độc và lạnh, như chính nỗi buồn của các nhân vật.

Cảnh trong phim Đạp tuyết tầm mai.

Ảnh đế cho ngôi sao 50 tuổi

Khi Quách Phú Thành được xướng tên là nam diễn viên chính xuất sắc nhất, không ít fan hâm mộ mừng cho anh.

Đó như là một sự ghi nhận không chỉ cho việc hóa thân xuất sắc vào vai một cảnh sát luống tuổi bị ám ảnh bởi một vụ giết người kinh hoàng, mà còn là sự tôn vinh cho một sự nghiệp điện ảnh khá trọn vẹn, sau năm lần được đề cử mà không đoạt giải.

Vì sao phải chờ đến Đạp tuyết tầm mai, Quách Phú Thành, năm nay vừa 50 tuổi, mới thật sự chinh phục được người xem, đồng nghiệp và giới phê bình?

Bởi vì anh đã được trao một cơ hội để thay đổi và biến hóa, không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở cá tính và nội tâm nhân vật. Xuất hiện trong mười phút đầu của phim với mái tóc muối tiêu luộm thuộm cùng đôi kính lão quá khổ, nhiều khán giả không nhận ra anh cho đến khi họ nhìn thấy đôi mắt to, trong sáng và lém lỉnh quen thuộc. Quách Phú Thành đã tự khẳng định mình một cách nhẹ nhàng, từ tốn và đầy ấn tượng.